Cách viết Content Marketing hay, nghệ thuật viết quảng cáo

0
1915

Cách viết Content Marketing hay không khó, bài viết Cách viết Content Marketing hay của anh Bảo Kiếm sẽ hướng dẫn chúng ta những tư duy cần thiết  để có thể viết một bài Content Marketing cực chất thông qua phương pháp tư duy Trước – Trong – Sau bài Content Marketing

Nội Dung

Vài dòng tản mạn

Nhớ lại những lần mình từng viết để tìm chủ đề. Những content thành công cũng nhiều, thất bại cũng không ít. Suy ngẫm làm sao để Content chất thì mình nhớ ra một điều, đó là

Cần Tư Duy Trước Khi Làm Content Marketing

Cách viết Content Marketing hay là phải Tư duy trước khi làm

Tư duy trước khi làm Content Marketing
Tư duy trước khi làm Content Marketing

Tay nhanh hơn não là nguyên nhân của nhiều bài Content thất bại. Thiết lập tư duy trước khi làm Content giúp loại bỏ hơn 70% vấn đề, tư duy đúng giúp bạn đi trên con đường chiến thắng. Tư duy giúp Content của bạn viết ra là đã có tính chiến lược. Do đó chúng ta cần thiết lập tư duy Trước – Trong và Sau khi làm Content

Chúng ta đang có những gì?

Chúng ta đang có gì ? sản phẩm của bạn / dịch vụ của bạn có cái gì khác biệt so với đối thủ, có lợi thế gì so với đối thủ không ? Nếu câu trả lời là có, thì Content sẽ trở nên dễ dàng, chỉ cần mô tả sản phẩm của bạn thôi, là đã khiến khách “chú ý” và “thòm thèm”.

Nếu câu trả lời là không thì vấn đề trở nên phức tạp và khó hơn nhiều. Nếu sản phẩm không khác biệt thì hãy làm cho content của bạn khác biệt. Hãy học hỏi Cocacola, sản phẩm này không có gì mới qua bao nhiêu năm tháng, nhưng cách quảng cáo của nó thì luôn luôn mới và thú vị

Thị trường như thế nào?

Thị trường như thế nào ? Đối thủ đang làm gì ? Thị trường đang cạnh tranh khốc liệt, hay còn bỏ ngỏ với sản phẩm của bạn.

Nếu còn bỏ ngỏ, bạn làm content cũng dễ dàng. Nếu đang cạnh tranh khốc liệt, bạn cần xem các đối thủ đang làm gì? Đang giảm giá thật mạnh, nếu bạn quy mô nhỏ mà giảm giá hơn họ thì ngày trốn nợ không còn xa.

Khách hàng muốn gì ? và muốn gì ở sản phẩm ?

Cái dễ thấy nhất là khách hàng muốn giá rẻ. Nhưng họ cũng muốn có ai đó hiểu họ, hiểu vấn đề của họ đang gặp phải. Nếu bạn hiểu họ và nói ra trong content thì họ đã rất cảm kích. Cảm xúc dành cho thương hiệu của bạn sẽ tăng lên bội phần. Nếu bạn còn giúp họ giải quyết vấn đề của họ nữa thì họ sẽ yêu thương hiệu của bạn thôi.

Ví dụ: trong ngành spa, các đối thủ có thể giảm giá để cạnh tranh, họ có thể làm chất lượng sản phẩm, dịch vụ giảm xuống để mức giá có thể. Họ cũng có thể khuyến mãi nhưng đến khi khách đến thì họ lại cố chèo kéo để khách phải mua thêm sản phẩm, dịch vụ khác. Điều này làm một số khách hàng khó chịu và nghi ngờ tính chân thực khi thấy chỗ spa nào đó giảm giá

Nếu bạn hiểu nỗi lo sợ này của khách hàng và nói lên trong content sẽ giúp khách hàng tin tưởng bạn hơn nhiều

Bạn – người làm Content Marketing – có gì ?

Kỹ năng của bạn, thế mạnh của bạn quan trọng khi làm content. Content là một sản phẩm. Làm content là để chiến đấu với những content khác. Bạn sẽ thắng nếu khai thác được điểm mạnh của mình, ban sẽ thua khi dùng điểm yếu của mình đấu với điểm mạnh của đối thủ.

Nếu bạn là copywriter giỏi kể chuyện thì hãy kể chuyển, giỏi phân tích thì hãy phân tích, giỏi mô tả thì hãy mô tả, giỏi thấu hiểu insight thì hãy khai thác insight, nếu không diễn tả, không giỏi văn thì chỉ cần liệt kê thôi, cứ viết giống như bạn nói thôi cũng đủ, đừng bắt chước người khác dùng từ màu mè.

Kết luận 1

➡Chỉ cần có 4 tư duy trên trước khi làm content, bạn sẽ loại khỏi bao nhiêu con đường thất bại ở trước mặt, và tiến gần hơn đến con đường chiến thắng.
Phần tiếp theo: tư duy trong lúc làm content
Nhớ like và comment để ủng hộ mình có động lực viết thêm nhiều bài chất nhé!

Cách viết Content Marketing hay là phải Tư duy trong khi làm

Tư duy trong Content Marketing
Tư duy trong Content Marketing

Ở phần trên tôi viết tư duy trước content với 4 yếu tố. Khi bạn làm điều đó, chính là bạn đang tư duy chiến lược. Nó giúp bạn loại bỏ nhiều con đường thất bại và dễ bước vào con đường chiến thắng.

Chiến lược không có gì cao siêu, nó chỉ là cách, là phương thức, là sự lựa chọn dựa trên tương quan giữa những gì bạn có ( năng lực của bạn), những gì bạn muốn ( mục tiêu), những gì đối thủ của bạn đang làm; những gì khách hàng mong muốn ( nhu cầu thị trường), xu hướng hiện tại

Vậy còn tư duy trong lúc làm content?

Tư duy về Ngôn ngữ

Ngôn ngữ: bạn cần biết sử dụng ngôn từ, đầu tiên là để diễn đạt cho đúng đã, sau là diễn đạt cho mạnh mẽ, và đỉnh cao là sáng tạo sự khác biệt để ấn tượng hơn so với đối thủ. Để biết sử dụng thì bạn cần phải học, cách học dễ nhất là bằng cách đọc nhiều và xem nhiều.

Tôi từ nhỏ đến lớn rất mê đọc sách, rất mê xem phim. Hồi nhỏ thì xem truyện và tiểu thuyết, xem phim kiếm hiệp. Lớn thì xem sách về kỹ năng, về tâm lý, về khoa học, về đầu tư, về kinh doanh, về làm giàu.

Cũng nhờ vậy mà kỹ năng về ngôn ngữ có tiến bộ hơn, chứ tư duy về ngôn ngữ của tôi không bằng mọi người, hồi nhỏ điểm văn của tôi không bao giờ trên 6.

Nếu bạn cảm thấy khó diễn đạt bằng văn viết, bạn có thể học ngay những keyword, diễn đạt như cách bạn nói, sau đó chỉnh lại 1 lần nữa cho thành văn viết. Nghĩa là thêm 1 lần chỉnh sửa.

Nhưng ngôn từ chỉ là kỹ năng nhập môn của người làm content, bạn đừng để nó cản trở bước đường của bạn, vì kỹ năng đỉnh cao của người làm content không phải là ngôn từ mà là thấu hiểu khách hàng.

Tư duy về Hình Ảnh

Hình ảnh: làm content video thì hình ảnh và âm thanh là bắt buộc, nhưng đối với content copy thì vẫn cần.

Đối với copywriter thì làm content vẫn cần tư duy hình ảnh và âm thanh. Khi bạn viết 1 từ hoặc 1 câu mà làm cho khách hàng thấy được hình ảnh hiện ngay trước mắt thì bạn đã thu hút họ rồi. Bạn cần phải chuyển ngôn từ, câu cú sao cho khi người ta đọc vào sẽ nhìn thấy hình ảnh ở trước mắt, như vậy bạn mới dễ dàng chạm đến cảm xúc của họ.

Ví dụ: “đôi tình nhân đang thể hiện tình yêu thương”
Bạn sẽ diễn đạt lại bằng hình ảnh như sau:
“Đôi tình nhân đi bên nhau, tay trong tay, tình trong mắt”

Tư duy về Âm Thanh

Âm thanh: có lẽ trước giờ bạn cứ nghĩ là nếu viết thì không cần biết về âm thanh gì cả. Hoàn toàn sai lầm nhé. Khi khách đọc nội dung họ sẽ đọc thầm, miệng sẽ mấp máy. Âm thanh sẽ vang trong đầu họ.

Nghĩa là khi đọc, họ tiếp nhận bằng âm thanh. Do đó khi dùng từ bạn phải dùng từ sao cho âm phát ra dễ dàng, hạn chế những từ khó phát âm, hạn chế luôn những từ trùng âm nhưng khác nghĩa với một từ khác.

Ví dụ không dùng từ “siêu xinh”, mà sửa lại thành siêu đẹp hoặc cực xinh, siêu xinh trùng âm với từ ‘siêu sinh’ trong đạo phật, do đó khi đọc thầm người ta sẽ hình dung ra cái nghĩa mà bên đạo phật hay dùng.

Khi gặp những từ khó đọc, bạn phải diễn đạt lại từ đó có thể bằng một câu, một mệnh đề, để nó dễ đọc hơn. Thì người đọc mới dễ tiếp nhận.

Cũng vì tiếp nhận qua âm thanh, mà mà một mệnh đề có vần thì thường hay hơn là không vần, dù không cần đọc lớn lên.

Tư duy Tâm Lý Học

Tâm lý học: hiểu biết về tâm lý học sẽ giúp bạn làm ra content phù hợp với sự quan tâm của khách hàng, phù hợp với hành vi của họ, cũng như lấy được sự đồng cảm của họ.

  • Ví dụ một số khía cạnh của tâm lý học:
  • Phụ nữ thì sống tình cảm, thường quyết định bằng cảm xúc. Đàn ông thì thường quyết định bằng lí trí.
  • Phụ nữ thì yêu trẻ con ( bản năng làm mẹ) nên bạn hoàn toàn có thể thu hút phụ nữ xem content bằng hình ảnh hoặc mô tả về đứa trẻ
  • Phụ nữ thì thích mua sắm và thích món hời: thà mua 1 món hời ( đang giảm giá) mà không cần dùng chứ không mua món mắc mà đang cần
  • Phi lí trí: khi bạn mua hàng bạn sẽ chấp nhận họ tăng giá từ 100K lên đến 105K, chứ không cấp nhận một món tăng từ 10K lên 15K

Tư duy mang yếu tố tâm lý đám đông

Một người sẽ tin khi thấy nhiều người khác đã tin. Bạn sẽ vào quán ăn có đông khách ( và bạn cũng nên như vậy) hơn là vào quán ăn vắng khách. Bạn sẽ mua hàng ở bài post có nhiều comment, hoặc sẽ mua ở nơi mà bạn bè, trong gia đình từng mua hàng ở đó

Tư duy mang Yếu Tố Xã Hội

Yếu tố xã hội: phụ nữ là lực lượng chính của nền kinh tế, phụ nữ mua sắm cho bản thân họ, chồng của họ, con của họ, ngay cả cha mẹ của họ.

Một người con trai còn nhỏ thì mẹ của họ mua đồ, sau khi có vợ thì vợ của họ sẽ mua đồ cho họ và cho cả nhà. Họ chỉ mua đồ cho họ trong thời gian họ sống độc thân. Vì vậy khi làm content bán hàng, đa số là nhắm tâm lý của người xem là phụ nữ

Xã hội thời xưa thì thích lời thơ nhẹ nhàng, thời nay thì nhịp độ sống công nghiệp nên cần đi thẳng vào vấn đề, ngắn gọn xúc tích

Bài đã dài mà vẫn chưa xong, hẹn bạn ở tư duy trong content phần2 sẽ nói về tư duy marketing, customer insight, và phép lặp trong content

Tư duy marketing 7Ps

Phần trước chúng ta đã nói về các yếu tố: ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, tâm lý học, yếu tố xã hội. Nó giúp bạn có thể truyền thông điệp đến được với trái tim của khách hàng. Tuy nhiên thông điệp gì để khách mua hàng của bạn? Áp dụng marketing mix 4Ps vào content chính là bí quyết để bạn làm content là bán được hàng

Đây là phương pháp của tôi, nếu bạn dùng nó hãy nhớ đến tôi. Nếu bạn còn thắc mắc hãy hỏi tôi. Nếu áp dụng nó thành công hãy báo cho tôi biết để tôi vui cùng bạn

Marketing 7Ps bao gồm:

Product – Price – Promotion – Places – People – Process – philosophy

Áp dụng 7Ps vào content chính là bạn viết content hướng khách hàng đến 7 yếu tố trên. Hướng được 7 yếu tố trên họ sẽ khao khát mua sản phẩm của bạn

Yếu tố Product (sản phẩm/ dịch vụ )

Bạn hãy trình bày giá trị của sản phẩm của bạn mang lại cho khách hàng, thấy được giá trị họ sẽ mua hàng thôi. Giá trị là những thứ hữu ích hoặc quan trọng đối với họ.

Ví dụ có một bạn đặt hàng tôi viết bài quảng cáo cho sản phẩm đồ chơi gỗ của trẻ em. Để khách hàng mua nó thì khách hàng phải thấy được giá trị của nó mang lại cho họ là gì. Có những sản phẩm đơn giản không cần nói ra người ta mặc định biết đến. Điều đó dẫn đến một hiểu biết sai lầm là chỉ cần đưa sản phẩm cho khách xem là được, dẫn đến content viết ra không bán được hàng.
Tôi đã phân tích được giá trị của đồ chơi gỗ cho trẻ em như sau:
—————————-
☑Bộ đồ chơi sẽ giúp rèn luyện đôi tay khéo léo và linh hoạt vì phải điều khiển con rối làm nhiều động tác khác nhau. Càng chơi món đồ chơi này thì tay chân càng khéo léo
☑Giúp bé phát huy khả năng tư duy và sáng tạo khi tìm cách tạo ra những động tác cho con rối để thắng đối phương: như đánh, đỡ, hoặc múa
☑Bộ đồ chơi có thể dùng để chơi dùng anh chị em trong nhà, điều này sẽ giúp tăng khả năng giao tiếp, biểu đạt cảm xúc. Tình cảm anh chị em sẽ thân thiết hơn sau khi chơi món đồ chơi này ( so với ipad mỗi người cầm 1 cái chơi thì cái này có lợi hơn nhiều)
——————————
Khi khách hàng hiểu được giá trị sản phẩm mang lại họ sẽ bắt đầu cân nhắc đến việc sỡ hữu nó

Yếu tố Price ( Giá )

Bạn phải làm cách nào đó chứng minh cho khách thấy là mức giá của bạn là mức giá hời thì họ sẽ bắt đầu nghĩ sẽ mua nó.

Nếu giá rẻ nhất thì đơn giản là chỉ ra khách chỉ bỏ 1 số tiền ít nhất trong 1 lần mua. Nếu giá cao thì bạn cần phân tích xem nhìn từ khía cạnh nào thì nó rẻ hơn.

Ví dụ giá bạn bán với giá 1 triệu đồng, xài được 5 năm vì sản phẩm tốt, trung bình mỗi năm tốn 200k. So sánh với mặt hàng khác chỉ 500k nhưng chỉ xài được 2 năm, trung bình mỗi năm tốn 250K, rõ ràng là mắc hơn so với sản phẩm của bạn

Bạn cũng có thể so sánh mức giá khách bỏ ra với mức chi phí họ tiết kiệm được nhờ sản phẩm của bạn mang lại/ hoặc số tiền mà khách sẽ kiếm được từ ích lợi sản phẩm bạn mang lại

Yếu tố Promotion

Promotion: nghĩa là quảng bá, khuyến mãi. Bạn có thể ghi thêm khuyến mãi, như mua 2 tặng 1, mua cái này tặng thêm cái gì, nó sẽ là một động lực thêm để khách mua hàng.

Bạn cũng có thể dùng lời nói của một người khác nói tốt về bạn. Bạn nói tốt về bạn thì ít ai tin, nhưng nếu khách nói tốt, hoặc một người nổi tiếng có ảnh hưởng nói tốt thì lập tức người ta sẽ tin ngay

Yếu tố Places

Places ( phân phối, điểm bán hàng, hệ thống đại lý): phần này bạn giải thích sao cho khách hiểu là mua chỗ bạn sẽ tiện lợi hơn nhờ hệ thống phân phối, điểm bán.

  • Nếu bạn bán ở địa phương, thì bạn có thể có lợi thế hơn so với các đối thủ khác ở thời gian giao hàng cực nhanh, khách có thể tiếp cận trực tiếp xem hàng, đổi trả, dễ dàng và tiện lợi. Hệ thống phân phối nhiều cũng thể hiện sức mạnh về tài chính, đầu tư khiến khách tin tưởng hơn
  • Với mùa mưa này ở miền nam thì khách sẽ lười ra đường nên mua online sẽ có lợi thế hơn so với mua tại cửa hàng, siêu thị.

Tóm lại ở phần này bạn chỉ cần nêu ra khách mua hàng tiện lợi như thế nào là được
Mở rộng của marketing 4Ps là marketing 7Ps gồm thêm 3P khác, sẽ được trình bày ở phần sau nếu bạn quan tâm nó.

Yếu tố People

People: nhân sự, người làm ra sản phẩm, dịch vụ có ảnh hưởng đến chất lượng của nó.
Kỹ năng càng tốt thì dẫn đến chất lượng càng tốt. Ví dụ có nhiều khách hỏi tôi: “bạn có bao nhiêu năm chạy ads? Bạn từng làm lĩnh vực này chưa?..”

Thương hiệu cá nhân của người đó cũng ảnh hưởng đến sự thu hút khách. Ví dụ quán ăn của nghệ sĩ hài Hoài Linh sẽ thu hút khách hơn của một người khác nếu các yếu tố khác giống nhau.

Yếu tố này có tác dụng mạnh đối với các ngành dịch vụ, và thường ít có tác dụng đối với các ngành sản phẩm.

Trong content bạn cần chứng mình được kỹ năng, trình độ của nhân sự như đưa ra bằng cấp, giải thưởng, số năm kinh nghiệm, hoặc chỉ ra nhân sự là người đã làm thành công một dự án, một sản phẩm, dịch vụ khác mà nhiều người đều biết hoặc chỉ ra nhân sự là người đã có uy tín, thương hiệu. Đơn giản chỉ có vậy

Ngoài nhân sự thì quy trình cũng là yếu tố cần được nhắc đến

Yếu tố Process

Process:quy trình, có ảnh hưởng đến chất lượng SP/DV. Một doanh nghiệp có quy trình làm việc bài bản chuyên nghiệp thì thường tạo ra sản phẩm, dịch vụ tốt hơn là không có. Vì vậy trong content bạn cần nêu ra sự chuyên nghiệp trong quy trình làm việc, nếu có thể nhiều công đoạn, hoặc mô tả chi tiết một công đoạn nhưng minh chứng được sự chuyên nghiệp của bạn

Ví dụ để viết một content tốt thì thường tôi làm theo 7 bước như sau
1.Tìm hiểu sản phẩm → 2. phân tích SWOT → 3. phân tích đối tượng và thấu hiểu customer insight → 4. Lên ý tưởng → 5. viết bài → 6. Kiểm tra tính thu hút ( xem khách có muốn đọc hết bài không) → 7. kiểm tra tính marketing ( đọc xong có muốn mua hàng không) → release

Yếu tố philosophy

Philosophy: là triết lý, là quan niệm sống của doanh nghiệp trong kinh doanh. Ví dụ nếu bạn kinh doanh mà muốn mang giá trị đến cho cộng đồng, và cam kết lợi nhuận còn lại đều đi làm từ thiện, thì mọi người sẽ ủng hộ bạn. Đứng trước 2 thương hiệu, thương hiệu nào có philosophy nhiều người kính phục hơn thì thương hiệu đó sẽ được ủng hộ hơn. Nếu không có philosophy nào thì bạn chỉ cần bỏ qua phần này

Yếu tố Phép lặp

Phép lặp: là sự lặp lại. Thế giới này là những lặp lại, lặp lại ngày và đêm, lặp lại xuân hạ thu đông, lặp lại sinh – lão – bệnh- tử. Sự lặp lại ngày và đêm giúp con người lớn lên, cây sinh trưởng. Sự lặp lại sinh – lão – bệnh – tử tạo nên nhiều thế hệ trẻ sáng tạo hơn, năng động hơn. Lặp lại vòng quay bánh xe sẽ giúp xe di chuyển

Lặp lại âm trong câu tạo nên vần nên thơ, dễ đọc dễ hiểu. Lặp lại cấu trúc câu tạo nên phép sóng đôi dễ chạm đến trái tim người xem.

Để tạo nên content hay hơn bạn cần lặp lại việc làm content. Điều cần thiết là phải cho ra được 1 content trong thời gian cho trước, nếu content không hay, không đạt thì hãy viết lại 1 lần nữa, làm như vậy cho đến khi nào bạn viết được 1 content hay. Đừng vì bí ý tưởng mà không cho ra 1 content nào. Nếu lặp lại nhiều lần viết mà vẫn không đạt? Hãy quay lại từ đầu tìm hiểu lại sản phẩm, phân tích marketing 7Ps lại từ đầu và lại viết tiếp.

Như vậy để làm content hay chỉ cần áp dụng phép lặp: lặp âm, lặp từ, lặp cấu trúc câu, lặp lại tư duy trước trong và sau khi làm content, lặp lại quy trình, lặp lại một content mới cho một mục tiêu cũ

Cách viết Content Marketing hay là phải Tư duy sau khi viết

Tư duy sau Content Marketing
Tư duy sau Content Marketing

❓Sau khi làm ra được content, post lên fanpage hoặc website rồi thì chúng ta nên làm gì?

☑Content là cái chúng ta làm ra, lúc nào chúng ta cũng yêu thương và tự hào về nó, nên thường hay nghĩ rằng: content của mình hay lắm, thật tuyệt. Sau mấy ngày không thấy ai tương tác thì nghĩ rằng: chắc FB có vấn đề, Fanpage có vấn đề, chắc người dùng có vấn đề, chắc đang bị xui tháng cô hồn…

Thỉnh thoảng chúng ta cũng hay đánh giá chủ quan Content của người khác: đôi lúc đúng nhưng đôi lúc sai. Content bán hàng, viral hoặc hữu ích thì thường nhắm đến mục tiêu số đông, nên cách kiểm chứng chính xác chính là dùng số đông ( trừ thư tình thì “khách hàng mục tiêu” sẽ là một người). Content cũng nhắm đến khách hàng mục tiêu chứ không phải đại trà, do đó bạn cũng lưu ý đối tượng quan tâm đến chủ đề mà Content đang nói đến, nghĩa là cần chọn đối tượng để kiểm chứng.

☑Sau khi làm ra Content bạn có thể đưa cho 1 số người có quan tâm xem và đánh giá, hoặc có thể nhờ 1 số người có chuyên môn để đánh giá. Nhưng chắc chắn cách này có tính chủ quan của 1 số ít người, ngay cả người có chuyên môn. Do đó bạn cần đưa Content ra nhóm đông người hơn, tôi thì thường hay post lên Facebook cá nhân, sau đó post lên Fanpage nhưng hạn chế đối tượng ( Bạn có thể hạn chế về độ tuổi, vị trí địa lý, sở thích…chỉ những người đó mới nhìn thấy)

Để kiểm chứng Content thì tôi thường dùng công thức:
MDH = (tổng comment+ tổng share )/ tổng like
MDH: mức độ hay. Nếu MDH từ 10% trở lên thì bạn có thể tự tin rằng Content hay rồi đó.

Vì Content phải hay thì mới khiến cho người ta hành động như comment vì nó tốn nhiều công sức hơn là bấm nút like. Tuy nhiên phải tiếp cận đủ nhiều người quan tâm đến chủ đề thì công thức này mới đúng. Nếu chưa đủ nhiều người thì không áp dụng được.

❓Sau khi có kết quả, ví dụ Content hay thì làm gì ? không hay thì bạn sẽ làm gì?

☑Để bạn ngày càng tiến bộ, ngày càng giỏi hơn, có ai đó đã nói “mỗi ngày phải học thêm được một điều”. Dù nó khá hay, nhưng theo tôi nó vẫn chưa đúng, phải là mỗi ngày phải học được một điều đúng. Điều đúng rất quan trọng, học được một điều đúng có giá trị hơn học 10 điều sai, hoặc những điều lúc đúng lúc sai. Những điều lúc đúng lúc sai ở trên đời này thì vô vàn, ví dụ: “content thì nên ngắn”, “content thì nên dài”, “muốn viết content hay thì phải có khả năng bẩm sinh”, “muốn viết content hay thì chỉ cần bỏ thời gian ra rèn luyện”….

Tại sao chúng ta học Tiếng Anh 11 năm từ hồi trung học đến khi sau khi ra khỏi Đại Học vẫn không bằng một người ở Nhật học tiếng Anh 3 năm? Dù chúng ta học ở trường, học thêm thầy cô, và có học ở trung tâm nữa? Sau khi tôi tốt nghiệp ĐH, tôi phải bỏ thêm 2 năm để chỉnh lại phát âm sai, rồi mới giao tiếp thành thạo với người nước ngoài được(nhưng vẫn chưa chuẩn, chỉ là họ có thể hiểu được dù biết chưa đúng)

☑Tại sao một người ở Mỹ/ Nhật sau khi tốt nghiệp ĐH thì thường giỏi hơn người Việt mình tốt nghiệp ĐH? Dù họ đâu có học siêng năng hơn mình ? Người Việt mình không thua kém về tư duy, hay về độ siêng năng “cày bừa” so với bất cứ người dân quốc gia nào, bằng chứng là cứ ra nước ngoài là người Việt mình tỏa sáng: người Việt mình có người làm trong Nasa bằng cấp tiến sĩ, có người là tỉ phú (làm kinh tế giỏi)…hay như bác Phạm Nhật Vượng là người giàu nhất Việt Nam, cũng là người từng ra nước ngoài học và kinh doanh

Bên cạnh việc môi trường ảnh hưởng thì ý tôi muốn nói, điều quan trọng là học được điều đúng. Họ có thầy chỉ ra những điều đúng, họ có phương pháp học đúng, phương pháp làm đúng, môi trường xã hội của họ tôn vinh giá trị của điều đúng, từ những điều đúng đó lại là nền tảng để họ học được điều đúng khác.. Cứ như vậy nên ngày càng giỏi.

?Quay trở lại với Content, sau khi chúng ta kiểm chứng và cho kết quả: content chất hoặc content thì bạn nên đặt vấn đề là nó vào điều gì? Nó chất nhờ đâu? Nó hay nhờ yếu tố nào? Tại sao content thất bại? Khi thất bại thì rất dễ chỉ ra, vì chỉ cần 1 yếu tố là đủ để thất bại, nhưng khi content thành công, nó phải là tổng hợp của nhiều yếu tố. Do đó bạn nên đặt giả định nó thành công vì điều gì, rồi ghi vào sổ tay, sau này bạn sẽ kiểm chứng yếu tố đó với content khác, với trường hợp khác. Nó sẽ giúp bạn rút ra, đâu mới là điều đúng

Kết luận

???Tóm lại, cách viết Content Marketing hay là dù bạn làm ra content chất hay content thất bại, thì vẫn luôn đặt câu hỏi và tự trả lời với giả định của bạn. Sau đó bạn sẽ kiểm chứng những điều đó với những bài content Marketing kế tiếp của bạn, hoặc với của người khác. Làm như vậy bạn sẽ viết được những bài Content Marketing chất lượng vì học được những điều đúng.
Bài đã quá dài, và bài này kết thúc chuỗi bài Content sao cho chất. Cảm ơn bạn đã theo dõi, và kiên nhẫn vì mình không viết đều đặn được.

Hẹn gặp lại ở bài khác. Đừng quên like và comment bài mình nhiều vô nhé:))

Bao Kiem
CEO VNSTAR

Chuyên đề Content Marketing tại mục Giáo Dục

Vai trò xúc cảm trong Content Marketing

Quay lại Trang Chủ